Bản tin công nghiệp 08/08/2023

Kỷ nguyên lao động siêu rẻ của châu Á sắp đi qua

Với dân số già đi nhanh chóng và người trẻ trình độ cao hơn không muốn vào nhà máy, kỷ nguyên công nhân châu Á siêu rẻ đang dần qua.

Nơi làm việc có cửa sổ kính suốt từ trần đến sàn, cà phê phục vụ trà matcha cũng như các lớp học khiêu vũ và yoga miễn phí. Hàng tháng, các công nhân tập trung tại các buổi “team-building” để uống bia, lái xe go-kart và chơi bowling. Đó không phải mô tả nơi làm việc của Google mà là một nhà máy may ở Việt Nam.

Châu Á, công xưởng của thế giới, đang chứng kiến xu hướng mới: những người trẻ nói chung không muốn làm việc trong các nhà máy. Đó là lý do các công ty sản xuất đang cố gắng tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn hơn. Điều này cũng gióng lên hồi chuông với các công ty phương Tây dựa vào lao động giá rẻ của khu vực này để có hàng tiêu dùng giá rẻ.

“Hoàng hôn” của lao động giá rẻ ở châu Á đang buông xuống, như một phép thử đối với mô hình sản xuất toàn cầu hóa đã giúp cung cấp hàng hóa giá rẻ cho thế giới trong 3 thập kỷ qua. Những người Mỹ đã quen với thời trang và TV màn hình phẳng giá phải chăng có thể phải sớm tính đến giá cao hơn, theo WSJ.

Công nhân làm việc trong nhà máy UnAvailable tại TP HCM. Ảnh: WSJ

Công nhân làm việc trong nhà máy UnAvailable tại TP HCM. Ảnh: WSJ

Paul Norriss, Đồng sáng lập hãng may UnAvailable tại TP HCM nói không còn nơi nào trên hành tinh này có thể cung cấp những gì bạn muốn. “Mọi người sẽ phải thay đổi thói quen tiêu dùng của họ, và các thương hiệu cũng vậy”, ông nói.

Norriss cho biết những công nhân ở độ tuổi 20 – lực lượng lao động truyền thống của ngành may mặc – thường làm việc vài năm rồi rời đi. Ông hy vọng việc cải thiện môi trường làm việc có thể cứu vãn tình hình. “Mọi người đều muốn trở thành một Instagrammer (người sáng tạo nội dung trên Instagram), một nhiếp ảnh gia, một nhà tạo mẫu hoặc làm việc tại một quán cà phê”, ông nói.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng về nhân lực, các nhà máy châu Á đã phải tăng lương và áp dụng các chiến lược đôi khi tốn kém để giữ chân công nhân, từ việc cải thiện chất lượng bữa ăn cho đến xây dựng trường mẫu giáo cho con công nhân.

Nhà sản xuất đồ chơi Hasbro nói tình trạng thiếu lao động ở Việt Nam và Trung Quốc đã đẩy chi phí lên cao. Hãng sản xuất búp bê Barbie Mattel, có cơ sở sản xuất lớn ở châu Á, cũng đang vật lộn với chi phí lao động cao hơn. Cả hai công ty đã tăng giá cho sản phẩm. Nike sản xuất phần lớn giày tại châu Á, cho biết giá thành sản phẩm đã tăng do chi phí lao động cao hơn.

Manoj Pradhan, nhà kinh tế tại London cảnh báo những người tiêu dùng Mỹ đã quen với việc giá hàng hóa duy trì tương đối ổn định so với thu nhập khả dụng của họ sẽ phải nghĩ lại. “Có sự đảo ngược lớn về nhân khẩu học”, chuyên gia này nói.

Bắt đầu từ những năm 1990, Trung Quốc và sau đó là các trung tâm sản xuất khác ở châu Á đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia gắn liền với hình ảnh những người nông dân nghèo trở thành các cường quốc sản xuất. Hàng hóa lâu bền như tủ lạnh và ghế sofa trở nên rẻ hơn.

Nhưng giờ các quốc gia đó đối mặt với vấn đề mang tính thế hệ. Người lao động trẻ tuổi, được giáo dục tốt hơn và quen thuộc với Instagram, TikTok đang quyết định rằng cuộc sống và công việc không nên diễn ra trong các bức tường nhà máy.

Một thay đổi nhân khẩu học khác cũng đóng vai trò quan trọng. Những người trẻ tuổi ở châu Á đang có ít con hơn và ở độ tuổi muộn hơn. Điều đó có nghĩa là họ chịu ít áp lực hơn trong việc phải có thu nhập ổn định ở độ tuổi 20. Lĩnh vực dịch vụ đang bùng nổ mang đến lựa chọn công việc ít mệt mỏi hơn như nhân viên cửa hàng trong trung tâm thương mại và lễ tân tại khách sạn.

Vấn đề này đang nghiêm trọng ở Trung Quốc, nơi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị lên tới 21% trong tháng 6 mặc dù các nhà máy thiếu lao động. Các công ty đa quốc gia đã và đang chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ. Nhưng các chủ nhà máy ở đó cho biết cũng gặp khó khăn trong việc thu hút công nhân trẻ.

Lớp yoga cho công nhân UnAvailable tại TP HCM. Ảnh: WSJ

Lớp yoga cho công nhân UnAvailable tại TP HCM. Ảnh: WSJ

Theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc, lương công nhân nhà máy ở Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2011, lên 320 USD một tháng, tức tốc độ gấp 3 lần ở Mỹ. Tại Trung Quốc, lương của nhà máy đã tăng 122% từ năm 2012 đến năm 2021.

Đầu năm nay, Nguyễn Anh Tuấn, 25 tuổi, tốt nghiệp trung học, bỏ công việc thợ máy tại một nhà sản xuất phụ tùng ôtô ở ngoại thành Hà Nội để chạy Grab. Anh chở khách với thu nhập theo giờ thấp hơn mức kiếm được ở nhà máy, nhưng nói rằng thay đổi là xứng đáng vì là ông chủ của chính mình.

“Những người giám sát thường nặng lời, khiến tôi rất căng thẳng”, Tuấn nói về ba năm làm việc tại nhà máy. Anh ấy nói rằng chỉ cân nhắc quay lại nhà máy nếu mức lương cũ 400 USD mỗi tháng được tăng gấp đôi.

Để có lao động giá rẻ, trước đây các nhà sản xuất đơn giản là chuyển đến các địa điểm ít tốn kém hơn. Nhưng giờ điều đó không còn dễ dàng. Có những quốc gia ở châu Phi và Nam Á có lực lượng lao động lớn, nhưng không ổn định về chính trị, hoặc thiếu cơ sở hạ tầng tốt và lực lượng lao động được đào tạo.

Ví dụ, các thương hiệu quần áo đã gặp khó khi mở rộng sang Myanmar và Ethiopia để rồi hoạt động bị gián đoạn bởi chính trị bất ổn. Bangladesh từng là điểm đến đáng tin cậy để sản xuất quần áo, nhưng các chính sách thương mại hạn chế và các cảng bị tắc nghẽn đã hạn chế sức hút.

Ấn Độ có dân số khổng lồ và các công ty đang tìm đến để thay thế cho Trung Quốc. Nhưng ngay cả ở Ấn Độ, các quản lý nhà máy bắt đầu phàn nàn về những khó khăn trong việc giữ chân công nhân trẻ. Nhiều thanh niên thích cuộc sống nông trại được hỗ trợ bởi các chương trình phúc lợi của nhà nước hoặc chọn công việc tự do ở thành phố hơn là sống trong ký túc xá nhà máy. Kỹ sư được đào tạo thì rời khỏi nhà máy để gia nhập ngành công nghệ thông tin.

Các chủ nhà máy châu Á đang cố gắng làm cho công việc trở nên hấp dẫn hơn, bao gồm trợ cấp cho các trường mẫu giáo và tài trợ cho các chương trình đào tạo kỹ thuật. Một số đang chuyển nhà máy đến các vùng nông thôn, nơi mọi người sẵn sàng lao động chân tay hơn. Nhưng điều đó khiến họ xa cảng và các nhà cung cấp hơn, đồng thời buộc họ phải thích nghi với cuộc sống nông thôn, bao gồm cả việc công nhân vắng mặt trong mùa thu hoạch nông sản.

Christina Chen, chủ sở hữu người Đài Loan của nhà sản xuất đồ nội thất Acacia Woodcraft Vietnam, đã chuyển nhà máy khỏi miền Nam Trung Quốc cách đây 4 năm với hy vọng tuyển dụng sẽ dễ hơn. Ban đầu bà cân nhắc các khu công nghiệp gần TP HCM nhưng nghe được cảnh báo về tỷ lệ nhảy việc và lương tăng vọt.

Vì vậy, bà chọn vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam. Giờ công nhân của bà thường ở độ tuổi 40 và 50, và một số người không thể đọc tốt. Điều này đòi hỏi phải giải thích các nhiệm vụ bằng lời nói và sử dụng các minh họa trực quan. Bù lại, lực lượng lao động của bà ổn định hơn.

Christina Chen trân trọng những nhân viên trẻ tuổi. Bà mời họ tham gia vào quá trình ra quyết định, gặp gỡ những nhà mua hàng người Mỹ đến thăm và chia sẻ với họ những bức ảnh về bàn ghế của công ty tại các cửa hàng ở Mỹ. Theo bà, tự động hóa là một phần nhưng sự khéo léo của con người vẫn cần thiết cho nhiều việc.

Công nhân làm việc tại Acacia Woodcraft Vietnam. Ảnh công ty cung cấp

Công nhân làm việc tại Acacia Woodcraft Vietnam. Ảnh công ty cung cấp

Tại châu Á, bối cảnh lao động đã khác nhiều so với hai thập kỷ trước. Năm 2001, Nike báo cáo rằng hơn 80% công nhân của họ là người châu Á và điển hình là 22 tuổi, độc thân và lớn lên trong gia đình làm nông. Ngày nay, độ tuổi trung bình của công nhân Nike tại Trung Quốc là 40 và ở Việt Nam là 31, một phần là do các nước châu Á đang già đi nhanh chóng.

Maxport Limited Việt Nam, một nhà cung cấp của Nike được thành lập năm 1995, chứng kiến sự cạnh tranh về công nhân ngày càng gay gắt. Giờ đây, họ phải nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, với cửa sổ nhà máy ngập nắng trời, và hàng nghìn cây cối xung quanh. Lao động trẻ được đào tạo để thăng tiến.

Tuy nhiên, họ vẫn phải vật lộn để thu hút người trẻ. Cán bộ tuân thủ cấp cao Đỗ Thị Thùy Hương cho biết chương trình đào tạo dành cho học sinh tốt nghiệp trung học đã kết thúc một phần vì rất ít người trong số họ chấp nhận việc làm sau đó. Khoảng 90% công nhân của Maxport từ 30 tuổi trở lên.

Tại Malaysia, các nhà máy đang bỏ yêu cầu mặc đồng phục – điều mà công nhân trẻ ghét, và thiết kế lại không gian làm việc. Syed Hussain Syed Husman, Chủ tịch Liên đoàn Người sử dụng lao động Malaysia, một đại diện cho các nhà sản xuất, cho biết doanh nghiệp đang cố gắng làm cho nhà máy hấp dẫn hơn như mở rộng vách ngăn, áp dụng nhiều cấu trúc kính, cung cấp ánh sáng tự nhiên và âm nhạc như môi trường kiểu văn phòng Apple.

Susi Susanti, 29 tuổi đến từ Indonesia, đã thử làm việc tại nhà máy sau khi tốt nghiệp trung học. Nhưng cô ghét bị những người quản lý gây áp lực phải làm việc nhanh hơn. Cô ấy nói với mẹ rằng phải làm một cái gì đó khác.

Sau một khóa đào tạo kéo dài sáu tháng, cô nói được tiếng Hoa phổ thông cơ bản, và bắt đầu chăm sóc cặp vợ chồng già ở Đài Loan. Tiền lương nhận được cao gấp ba lần so với hồi làm trong các nhà máy ở quê nhà, và điều đó khiến cô ấy bớt mệt mỏi hơn. “Khi người mà tôi đang chăm sóc khỏe lại, tôi có thể thư giãn”, Susi nói.

Nguồn: WSJ

Vì sao không khí trong nhà khiến bạn dễ ốm?

Bạn có thể đổ lỗi cho nhà trẻ, đồng nghiệp hoặc những đứa trẻ không rửa tay khiến gia đình mình ốm, nhưng có một thủ phạm nhiều khả năng hơn.

Chúng ta thường nghĩ ô nhiễm không khí là khí thải ô tô, khói nhà máy và khói bụi, nhưng không khí mà gia đình bạn hít thở khi ngủ, ăn và thư giãn trước TV lại không hề trong sạch.

Không khí trong nhà chứa đầy hóa chất độc hại và chất gây dị ứng có thể làm cay mắt, kích hoạt các cơn hen suyễn và gây đau đầu. Theo thời gian, chất độc trong không khí có thể phá vỡ nội tiết tố, làm hỏng các cơ quan quan trọng và thậm chí có thể dẫn đến ung thư.

Nhưng ô nhiễm không phải là vấn đề duy nhất ẩn nấp trong không khí. Những ngôi nhà quá khô cũng là một mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe. Cùng với việc khiến da nứt nẻ, chảy máu cam và tăng nguy cơ mất nước, không khí quá khô khiến bệnh cúm dễ bùng phát, khiến chúng ta dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Ngược lại, không khí quá ẩm sẽ khuyến khích nấm mốc phát triển và thu hút mạt bụi, tạo ra một loạt vấn đề sức khỏe mới.

Dù ô nhiễm, quá khô hay quá ẩm, không khí trong nhà không hoàn hảo đều có khả năng khiến gia đình bạn bị bệnh.

Dưới đây là một số giải pháp thiết thực để giữ cho gia đình bạn an toàn khỏi bệnh tật cả hiện tại và tương lai.

Hít thở không khí trong nhà cũng có thể gây nên các bệnh về đường hô hấp. Ảnh:Freepik

Hít thở không khí trong nhà cũng có thể gây nên các bệnh về đường hô hấp. Ảnh:Freepik

Ô nhiễm và chất gây dị ứng trong nhà

Josh Jacobs, giám đốc bộ luật và tiêu chuẩn môi trường, thuộc tổ chức UL (Mỹ) cho biết, không khí trong nhà ô nhiễm hơn không khí ngoài trời. Chúng ta đóng kín các tòa nhà, kiểm soát tốc độ thông gió nên bất cứ thứ gì ta thêm vào bên trong nhà như vách thạch cao, sàn, nội thất, sơn, đồ điện tử đều có thể thải ra VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi), vốn không tiêu tan trong môi trường trong nhà.

VOC gồm khoảng 13.000 hóa chất độc hại, chẳng hạn như formaldehyde, aldehyde, benzen và toluene, có trong các sản phẩm gia dụng và vật liệu xây dựng nhân tạo. Trên thực tế, Jacobs nói rằng chỉ những vật dụng làm hoàn toàn bằng thép, thủy tinh, bê tông hoặc đá mới không thải ra VOC, khí chúng ta hít vào.

Cùng với việc gây kích ứng mắt, mũi và cổ họng, những hóa chất độc hại này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn và gây chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu, phát ban da và mệt mỏi. Phơi nhiễm kéo dài có thể gây hại cho thận, gan hoặc hệ thần kinh trung ương và có khả năng gây ung thư.

VOC thải ra ngoài trời rất nhiều, nhưng có thể thoát ra ngoài, trong khi nếu thải ra trong nhà, chúng sẽ bị mắc kẹt. “Hãy tưởng tượng nó giống thuốc nhuộm đỏ. Nếu bạn thả một giọt vào đại dương, nó sẽ tan biến nhanh, nhưng nếu nhỏ một giọt vào bể cả, nước sẽ chuyển sang hồng, thậm chí đỏ tươi”, Jacobs nói.

Bên cạnh ô nhiễm VOC, không khí trong nhà cũng có thể bị ô nhiễm bởi các chất gây dị ứng như vẩy da thú cưng, mạt bụi, nấm mốc hoặc thậm chí là phấn hoa. Cùng với việc lơ lửng trong không khí, những chất ô nhiễm này tích tụ trong bụi nhà. Hơn nữa, các hoạt động hàng ngày như nấu ăn trên bếp ga và cọ rửa sàn nhà bếp giải phóng khí có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khi hít phải.

Cách khắc phục

Bạn sẽ không bao giờ loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải VOC, nhưng có thể làm nhiều việc để giảm bớt sự tiếp xúc của gia đình mình, bắt đầu với các loại sản phẩm mang vào nhà.

Khi mua sơn, đồ nội thất, mặt bàn, vách thạch cao, đệm, giường ngủ, xử lý cửa sổ và nhiều nhu cầu cải thiện nhà cửa khác, hãy tìm kiếm chứng nhận có lượng khí thải VOC thấp.

Tương tự, hãy tìm các sản phẩm thảm trải sàn, sàn nhà, tẩy rửa, cũng như các sản phẩm giấy, đồ điện tử, thiết bị văn phòng… ít chứa VOC.

Để giảm bớt mối đe dọa VOC từ các vật dụng gia đình mà bạn sở hữu, hãy mở các cửa sổ càng nhiều càng tốt để lưu thông không khí ngoài trời vào nhà.

Nếu bạn có hệ thống làm mát và sưởi ấm, hãy sử dụng các bộ lọc được thiết kế để loại bỏ các hạt nhỏ và thay đổi nó thường xuyên; điều này cũng sẽ giúp giảm thiểu các chất gây dị ứng trong không khí.

Nên mua một máy lọc không khí độc lập, sẽ không làm được gì nhiều đối với VOC nhưng có thể thu giữ các chất gây dị ứng, bụi và các hạt khác, nên thay đổi bộ lọc thường xuyên.

Ngoài ra, hãy hút bụi, quét và phủi bụi toàn bộ ngôi nhà thường xuyên để làm sạch tất cả các chất gây dị ứng và những thứ khó chịu khác bám trên sàn nhà, đồ nội thất và đồ điện tử.

Nếu bạn có một chiếc bếp gas có máy hút mùi, hãy sử dụng nó bất cứ khi nào nấu ăn và để nó hoạt động trong vài phút sau khi bạn nấu xong. Nghiên cứu cho thấy chúng hạn chế đáng kể các chất ô nhiễm được đẩy vào không khí.

Nguồn: Fatherly

Hơn một triệu người được khoanh, xóa nợ thuế

Bộ Tài chính vừa khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho hơn 1 triệu người, tổng số tiền hơn 37.500 tỷ đồng, tính đến hết năm 2022.

Số liệu được nêu trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về xử lý nợ theo Nghị quyết số 94 ban hành 2019 của Quốc hội.

Theo đó, ngành thuế đã khoanh nợ với 705.475 người nộp thuế, tổng số tiền thuế nợ được khoanh 29.897 tỷ đồng. Trong đó, có 259.627 tổ chức, doanh nghiệp được khoanh nợ 27.548 tỷ đồng và 445.848 cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh được khoanh nợ 2.349 tỷ đồng.

Người dân đến nộp và làm thủ tục hồ sơ thuế. Ảnh: chinhphu.vn

Người dân đến nộp và làm thủ tục hồ sơ thuế. Ảnh: chinhphu.vn

Cơ quan quản lý thuế đã xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 317.469 người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh với tổng số tiền 7.631 tỷ đồng.

Đại diện Bộ Tài chính đánh giá, trong khi cơ bản hoàn thành 100% việc xử lý khoanh nợ so với dự kiến xử lý thì việc xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đạt 61% so với số dự kiến xử lý nợ của các địa phương.

Theo Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm cuối năm 2019, tổng số tiến nợ thuế là 80.830 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2018, trong đó, nợ không có khả năng thu hồi là 40.228 tỷ đồng, chiếm 49,8%.

Nợ không có khả năng thu, không thể thu được do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất – kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 94 ngày 26/11/2019 về khoanh nợ, xóa nợ thuế đối với những đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý nợ tồn đọng, qua đó, không làm phát sinh thêm nợ ảo, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp mà không thể thu hồi.

Nghị quyết này được thực hiện trong 3 năm kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, tức ngày 1/7/2020.

Quyết toán thuế tại Cục thuế TP HCM. Ảnh: Lệ Chi

Quyết toán thuế tại Cục thuế TP HCM. Ảnh: Lệ Chi

Sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 69 quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý nợ. Trong đó, Bộ quy định rõ, các trường hợp được khoanh nợ, xóa nợ phải có văn bản xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký và được công khai danh sách.

Cơ quan quản lý thuế sẽ công khai danh sách người nộp thuế đề nghị xóa nợ tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh và tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế.

Để thực hiện Nghị quyết xử lý nợ, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai từ tháng 4/2020 để xây dựng chương trình, kế hoạch, tiến độ và các biện pháp thực hiện. Các địa phương cũng đã thành lập ban chỉ đạo có trách nhiệm triển khai Nghị quyết ở địa phương; tham mưu, đề xuất với UBND cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức xử lý nợ trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo Chính phủ, quá trình thực hiện nghị quyết có một số khó khăn nên thời gian xử lý nợ kéo dài. Nhiều trường hợp nợ thuế đã lâu, hồ sơ, tài liệu bị thất lạc, cơ quan quản lý thuế mất nhiều thời gian để thu thập, tìm kiếm, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Quốc hội yêu cầu xử lý nợ phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan.

Thời gian tới, cơ quan quản lý thuế các cấp sẽ tiếp tục rà soát, xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; hồ sơ, trình tự thủ tục chặt chẽ theo quy định… đảm bảo hoàn thành xử lý nợ trong 3 năm.

Nguồn: VNEXPRESS.NET

Doanh nghiệp khó khăn được lùi hạn trả nợ tối đa 12 tháng

Ngân hàng Nhà nước lần thứ hai trong ba năm, cho phép các nhà băng cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay, tối đa 12 tháng.

Nội dung này trong Thông tư 02 vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành, trước diễn biến khó khăn, thách thức tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Điều kiện áp dụng là các khách hàng gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng khó trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Các khoản vay được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện từ nay đến hết 30/6/2024. Các khách hàng diện này cũng được giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ).

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được toàn quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn.

Sau khi cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn được thực hiện theo hai giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích dự phòng thêm cho đủ 100% cuối năm 2024.

Theo Ngân hàng Nhà nước, chính sách này được kỳ vọng góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.

Chính sách cơ cấu nợ từng được ban hành trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 và kết thúc cuối tháng 6/2022. Với thông tư mới, đây là lần thứ hai trong ba năm Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay.

Theo đánh giá của giới ngân hàng, doanh nghiệp hiện nay thậm chí đang khó khăn hơn cả giai đoạn dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải cầm cự hoạt động trong bối cảnh lực cầu giảm. Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng đang gặp khó khăn rất lớn khi mắc kẹt về dòng tiền.

Nguồn: Vnexpress.net


Khai mạc Triển lãm Contech Vietnam 2023

Theo đại diện Ban tổ chức, là sự kiện được tổ chức thường kỳ, Triển lãm Contech Vietnam – Triển lãm Quốc tế về Xây dựng, Công nghiệp mỏ và Giao thông – Máy móc, Thiết bị, Công nghệ, Phương tiện và Vật liệu năm nay diễn ra từ ngày 21- 24/4/2023. Đây là sự kiện tiêu biểu mang đến các sản phẩm máy, thiết bị mới nhất, những giải pháp công nghệ tối ưu cho ngành xây dựng, khai thác mỏ và giao thông tại Việt Nam.

Ông Tống Văn Nga
Ông Tống Văn Nga- Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam

Triển lãm năm nay có quy mô hơn 100 gian hàng trưng bày với gần 60 đơn vị tham gia, đại diện cho hàng trăm thương hiệu đến từ Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Ấn độ, Đức, Pháp, Italia, Thụy Điển, Liêng bang Nga …Triển lãm có quy mô 3000 m2 trưng bày trong nhà và ngoài trời, với khoảng 70% đơn vị tham gia đến từ nước ngoài. Triển lãm quy tụ các sản phẩm cho lĩnh vực xây dựng như: xe cầu, máy khoan, máy đào, máy xúc, các thiết bị, vật liệu cho ngành xây dựng, các máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ ngành giao thông và khai thác mỏ từ các thương hiệu uy tín hàng đầu thế vai nghiệp sản xuất, thi công.

Triển lãm Contech Vietnam 2023 là cơ hội cho các đơn vị trưng bày là cầu nối giữa các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài với doanh tìm kiếm đối tác tại thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam, cũng là dịp để các công ty trong nước giới thiệu đầy đủ về thế mạnh, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tranh thủ sự hợp tác của đối tác nước ngoài, cập nhật thiết bị, công nghệ mới từ các quốc gia trên thế giới để nâng cao trình độ, năng lực cho doanh nghiệp.

Cắt băng khai mạc
Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm Contech Vietnam 2023

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tống Văn Nga- Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho hay: Triển lãm Contech Vietnam 2023 được tổ chức trở lại sau thời gian tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất cung ứng trong và ngoài đến thăm quan, tìm hiểu thiết bị công nghệ mới và hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Trong những năm gần đây, ngành xây dựng và giao thông có vai trò quan trọng đối với sự thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị với nhiều công trình văn phòng, căn hộ cao cấp, dự án khu đô thị, khu dân cư mới, khu công nghệ – kỹ thuật cao. Đặc biệt, sự tăng trưởng vượt bậc về hạ tầng giao thông đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế cũng như đời sống xã hội của người dân.

Để đạt được những thành tựu này, cùng với vốn đầu tư từ các nguồn trong và ngoài nước, phải kể đến sự tham gia của yếu tố công nghệ, kỹ thuật mới mang tính đột phá, máy móc thiết bị thông minh, hiện đại hơn.

Được biết, bên cạnh hoạt động trưng bày sản phẩm, Triểm lãm Contech Vietnam 2023 còn diễn ra các thuyết trình kỹ thuật do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Ban tổ chức và phần thuyết trình của đại diện các công ty tham gia giúp cho đại biểu và khách tham quan mở rộng kiến thức chuyên môn và cập nhật xu hướng công nghệ mới trên thế giới.

Cùng với việc tổ chức các hội thảo và thuyết trình kỹ thuật, Ban tổ chức còn thực hiện việc kết nối kinh doanh trước, trong và sau triển lãm.

Nguồn: Công thương


“Đỏ mắt” tìm nhân lực khối ngành chăn nuôi, thú y

(NLĐO) – Học sinh sau THPT thường có xu hướng chọn ngành kinh tế nhiều hơn chứ chưa hướng về ngành nông nghiệp, chăn nuôi, thú y.

Đỏ mắt tìm nhân lực khối ngành chăn nuôi, thú y - Ảnh 1.

Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm ở lĩnh vực chăn nuôi, thú y

Ngày 21-4, Trường ĐH Công nghệ TP HCM tổ chức ngày hội triển lãm công nghệ và tuyển dụng khối ngành thú y – chăn nuôi với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp, cùng 1.500 cơ hội thực tập và việc làm dành cho sinh viên đã và sắp tốt nghiệp.

Phát biểu tại đây, ông Đinh Minh Hiệp, Giám Đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM, cho biết ngành nông nghiệp, chăn nuôi thú y chiếm một tỷ trọng nhỏ nhưng lại rất quan trọng đối với sự phát triển và thúc đẩy chung của toàn TP HCM. Chất lượng nguồn nhân lực luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu nên bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn thì phát triển kỹ năng chính là yếu tố không thể thiếu để khi ra trường tìm được một công việc tốt.

Ông Hiệp cho rằng việc tăng tỉ trọng nhóm ngành nông nghiệp, chăn nuôi trong môi trường đô thị cũng như phát triển được chất lượng của ngành nghề dần trở thành một dịch vụ của xã hội mới có thể nâng cao được giá trị.

Nguồn: Người lao động


‘Ăn đong’ từng đơn hàng, khó khăn bủa vây doanh nghiệp

“Rất khó khăn, chúng tôi đang sản xuất cầm chừng”, ông Thang Văn Thông – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng – mở đầu cuộc trò chuyện với PV. VietNamNet.

Là doanh nghiệp lớn về chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ, ông Thông nhớ lại thời điểm này năm ngoái đơn hàng nhiều, doanh nghiệp làm không xuể.

Còn năm nay ngược lại hoàn toàn.

“Tới giờ này, đơn hàng chỉ duy trì được khoảng 30% so với năm ngoái”, ông buồn rầu nói.

Trước đấy, có khoảng 3.600 lao động làm việc tại các nhà máy của Hào Hưng , song do “đói” đơn hàng nên nay công ty cắt giảm còn 2.200 người. Số này cũng làm việc luân phiên.

Theo ông Thông, hoạt động xuất khẩu bắt đầu khó khăn từ cuối năm ngoái và kéo dài đến nay, hiện vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực.

Sau đại dịch, doanh nghiệp đã cử đoàn sang châu Âu, Mỹ, châu Á nhằm tìm kiếm các đơn hàng và thị trường xuất khẩu mới. “Để có đơn hàng, không chỗ nào chúng tôi không đi. Dù thị trường nhỏ, nếu có tín hiệu là lập tức đi ngay”, ông chia sẻ.

Đơn hàng xuất khẩu gỗ giảm mạnh (Ảnh: Hương Quỳnh)

Vậy nhưng, thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu quá khó, đơn hàng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nên không trông mong gì. Còn thị trường mới ở châu Á như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ có tín hiệu khả quan song vẫn phải chờ, chưa chốt được đơn hàng.

Việc “đói” đơn hàng là thực trạng chung của các doanh nghiệp ngành gỗ, khi một số thị trường xuất khẩu gần như đóng băng. Tuy nhiên, khó lại chồng khó khi tiền hoàn thuế VAT lên tới vài nghìn tỷ của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn “mắc kẹt” vì thủ tục.

“Từ khi ngành gỗ Việt Nam quy mô còn rất nhỏ cho đến nay đã vươn lên đứng top 5 trên thế giới, tôi chưa bao giờ thấy khó khăn như giai đoạn này”, ông Thông than thở.

Không chỉ với doanh nghiệp ngành gỗ, “đói” đơn hàng cũng là tình trạng phổ biến ở các doanh nghiệp ngành thuỷ sản.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước, cho biết, thời điểm này những năm trước, doanh nghiệp đã ký xong đơn hàng cho quý IV. Bây giờ, ký được container nào thì làm container đó. Do chỉ có đơn hàng nhỏ lẻ nên một số doanh nghiệp thủy sản phải đóng cửa nhà máy luân phiên, sản xuất cầm chừng.

Chủ tịch HĐQT một công ty xuất khẩu thủy sản lớn cũng thừa nhận, hết quý I/2023 đơn hàng sụt giảm 27% so với cùng kỳ.

Năm 2022, doanh nghiệp của ông đạt doanh thu 135 triệu USD, tăng tới 35% so với năm 2021. Nhưng năm nay, vị lãnh đạo này quan sát thấy tín hiệu khó khăn đã xuất hiện ngay từ quý IV/2022.

Doanh số xuất khẩu chững lại, đối tác B2B quốc tế (doanh nghiệp – doanh nghiệp) từ chối nhận thêm hàng bởi sức mua của người dân nước họ sụt giảm.

Có những doanh nghiệp thuỷ sản chưa ký được đơn hàng mới cho quý II/2022 (Ảnh: Hoàng Hà)

“Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 thì 2023 là năm tiên lượng khó khăn nhất cho các doanh nghiệp thủy sản, khi các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh đồng loạt xảy ra. Trong khi, các vấn đề nội tại như thiếu quỹ đất cho nuôi trồng; chi phí đầu vào tăng cao; lãi suất chưa giảm nhiều… gây yếu tố bất lợi cho xuất khẩu thủy sản”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định.

Đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã giảm từ 20-50% trong quý I/2023, lượng tồn kho tăng.

Ở lĩnh vực may mặc, Công ty TNHH Song Ngọc (TP.HCM) cho biết, đối tác tại Mỹ hiện không bán được hàng. Thay vì giục công ty xuất hàng sớm như trước, nay DN hoàn thành đơn hàng, xin xuất sang sớm thì bị từ chối.

Xuất khẩu giảm mạnh

Chia sẻ từ Úc, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Meet More Coffee, thông tin, từ đầu năm tới nay, quốc gia này đã 4 lần tăng lãi suất, người dân thắt chặt chi tiêu do lạm phát. Giỏ hàng hóa tiêu dùng của người Úc đang có sự điều chỉnh, sức mua chậm, giảm khoảng 20%, mức tiêu thụ các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo.

Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), tính đến hết quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh như: gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, sắn và sản phẩm sắn, thuỷ sản…

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ vốn tăng trưởng đều đặn, lập kỷ lục khi thu về hơn 16 tỷ USD năm 2022; thì sang quý I/2023 chỉ đạt 2,8 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, quý I năm 2021 và 2022 dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng con số này vẫn tăng lần lượt 44,9% và 4%.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản trong quý I/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (Đồ hoạ: Tâm An)

Tương tự với mặt hàng cao su, 2 năm trước bất chấp dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu cao su quý I/2021 và quý I/2022 tăng lần lượt 102,4% và 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng năm nay, kim ngạch xuất khẩu quý I chỉ đạt 531,3 triệu USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Với mặt hàng thủy sản, quý I năm 2021 và 2022 xuất khẩu thuỷ sản tăng lần lượt 6,3% và 45,4%. Sang đến quý I/2023, xuất khẩu nhóm mặt hàng này lại giảm mạnh 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 39%, xuất khẩu cá tra giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP tính toán, xuất khẩu thủy sản dự kiến dần phục hồi vào quý III/2023. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu khó có thể duy trì như năm 2022 (đạt gần 11 tỷ USD).

Tại họp báo thường kỳ của Bộ NN-PTNT mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, bộ đã đánh giá 2023 là năm rất khó khăn với hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản nên công tác điều hành cần linh hoạt, giải pháp phải kịp thời. Xuất khẩu nông sản qua các tháng hiện vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm, song tốc độ xuất khẩu đang nhích dần lên, mức giảm ít hơn.

Dự báo thời gian tới, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất còn khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Do đó, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và hiệp hội xúc tiến mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, hướng đến các thị trường mới, còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu,… đẩy mạnh khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nguồn: vienamnet.vn

Đăng vào HSE

Tác giả: Lan Nguyen

Biên tập viên đẹp gái tại BHTD


Deprecated: Hàm related_posts hiện tại không dùng nữa từ phiên bản 5.12.0! Sử dụng yarpp_related để thay thế. in /home/baohotoa/public_html/blog/wp-includes/functions.php on line 6085