Các quy tắc an toàn khi phun thuốc bảo vệ thực vật
Bảo hộ lao động
Khi sử dụng hay tiếp xúc với thuốc BVTV phải mặc dụng cụ bảo hộ lao động phù hợp với điều kiện thực tế và loại thuốc sử dụng. Các loại bảo hộ lao động thường được sử dụng khi tiếp xúc hay sử dụng thuốc BVTV gồm:
+ Quần áo bảo hộ lao động, áo choàng
+ Kính, mũ bảo hộ
+ Găng tay, ủng
+ Khẩu trang, mặt nạ phòng độc
Các quy tắc an toàn
Sau khi phun
+ Dọn bao bì, chai thuốc vào một chỗ, tiêu huỷ đúng quy định. Không vứt bừa bãi hoặc tự ý đốt các bao bì chứa thuốc đã qua sử dụng.
+ Rửa thiết bị phun rải sạch sẽ, đúng cách (hoà xà phòng vào nước, đổ nước xà phòng vào bình, đóng nắp và lắc bình, đổ nước xà phòng ra xô – làm lại vài lần, tháo rời từng bộ
phận, dùng bàn chải mềm rửa sạch, thông vòi phun bằng nước xà phòng và nước sạch), rửa bên ngoài bằng nước xà phòng và nước sạch thêm lần nữa, úp ráo nước, cất vào kho. Không để bình bơm bừa bãi khi làm việc hay khi bảo quản.
+ Không đổ thuốc “đã pha” không sử dụng hết và nước súc rửa, vệ sinh thiết bị phun xuống nguồn nước.
+ Tắm, giặt quần áo bảo hộ và công cụ bảo hộ lao động bằng xà phòng, thay quần áo mới, sạch. Không để chung quần áo bảo hộ với quần áo thường mặc và không để quần áo, công
cụ phòng hộ trong kho thuốc.
Xử lý ngộ độc thuốc BVTV
Nguyên nhân ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật
1. Ngộ độc do da, mắt tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV:
– Thuốc bắn vào mắt hoặc dính vào tay trần.
– Thuốc thấm qua quần áo vào da do trong quá trình phun thuốc, bình bơm bị rò rỉ.
– Thuốc thấm qua các vết xây xát, bị thương trên da.
– Thuốc thấm qua da ở đầu và lưng mạnh hơn ở chân.
Khuyến cáo:
– Không sử dụng thiết bị phun rải thuốc bị rò rỉ, hư hỏng. Ngừng ngay phun thuốc khi phát hiện bình bơm rò rỉ và tìm cách khắc phục.
– Thay quần áo nếu quần áo đang mặc bị dính thuốc.
2. Ngộ độc do nuốt phải thuốc BVTV:
– Trường hợp này ít xảy ra đối với người sử dụng nhưng nếu xảy ra thì rất nguy hiểm.
– Việc hít phải hạt thuốc đang phun có thể cũng gây nên sự ngộ độc qua đường tiêu hóa (cùng với sự ngộ độc qua đường hô hấp của phổi).
Khuyến cáo:
– Đeo khẩu trang khi phun thuốc.
– Không ăn, uống, hay hút thuốc với đôi tay bị nhiễm thuốc.
Xem thêm: Ăn gì, uống gì, làm gì để giải độc sau khi phun thuốc trừ sâu
3. Ngộ độc do hít phải thuốc BVTV:
– Khi hít phải thuốc BVTV, thuốc sẽ đi sâu vào phổi, thấm vào máu. Do vậy, những loại thuốc dễ bay hơi rất nguy hiểm cho người sử dụng.
Khuyến cáo:
– Cần chú ý, tránh tiếp xúc gần với dòng hơi thuốc
– Việc đốt, tiêu hủy thuốc hoặc bao gói thuốc BVTVcó thể gây nguy hiểm cho nông dân do tiếp xúc với khói độc.
Các triệu chứng ngộ độc thuốc BVTV phổ biến
Ngộ độc được phân làm 3 cấp độ sau:
– Trường hợp nhiễm độc nhẹ: Có thể gặp một hoặc nhiều biểu hiện trong các triệu chứng như: Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, chảy nước miếng, chảy nước mắt.
– Ngộ độc ở mức độ trung bình: Buồn nôn, nôn, mờ mắt, tức ngực, đau thắt dạ dày, run rẩy, vã mồ hôi, co đồng tử, mạch chậm, …
– Ngộ độc nặng: Co giật, thở yếu, mê sảng, rối loạn nhịp tim, … tử vong.
Dấu hiệu ngộ độc thuốc trừ sâu
Khi bị ngộ độc thuốc trừ sâu, cơ thể rất yếu, khó chịu và có những dấu hiệu đặc trưng như sau:
- Da bị kích thích, có cảm giác bỏng, rát, toát mồ hôi nhiều, da xạm tái.
- Mắt bị ngứa, cũng có cảm giác bỏng, rát, chảy nước mắt, nhìn mờ, đồng tử mắt bị co lại hay giãn ra.
- Bỏng rát ở miệng và họng, tiết nước bọt nhiều, nôn, mửa, đau bụng và tiêu chảy.
- Nhức đầu, chóng mặt, rối loạn tâm thần, co giật, choáng váng, nói líu lưỡi, không có ý thức.
- Ho, tức ngực, khó thở và thở khò khè…
Khi đối diện với người nghi ngờ bị ngộ độc thuốc trừ sâu, cần khai thác thêm các thông tin: Nạn nhân có làm việc và tiếp xúc với thuốc trừ sâu không? Các dấu hiệu bị nhiễm độc xảy ra như thế nào? Loại hóa chất nào nạn nhân dùng phun trong nông nghiệp, uống nhầm? Lượng thuốc trừ sâu nạp vào người nhiều hay ít? Thời gian nào? Xem xét các thông tin trên bao bì, dụng cụ dùng để phun và nhãn, mác hóa chất thuốc trừ sâu.
Biện pháp sơ, cấp cứu khi ngộ độc thuốc
– Trước tiên, cần phải đọc kỹ nhãn về phòng chống độc và một số đồ dùng cần thiết khi cấp cứu. Sau đó đưa nạn nhân ra xa nơi nhiễm thuốc và thực hiện các biện pháp phù hợp:
Thuốc dính vào mắt:
+ Không được dụi mắt.
+ Không sử dụng các loại dược phẩm nhỏ vào mắt hay cho vào nước để rửa mắt.
+ Dùng bông y tế hoặc khăn tay nhúng vào nước sạch vắt ráo, thấm lấy hết thuốc ở mi và hố mắt.
+ Rửa mắt (mở mắt) bằng nước sạch liên tục dưới dòng nước chảy ít nhất là trong 15 phút.
Thuốc dính vào da:
+ xối nước liên tục lên vùng da dính thuốc.
+ Nếu thuốc rò rỉ ra quần áo, thấm vào người, phải nhanh chóng cởi bỏ hết quần áo bị dính thuốc, tẩy rửa da và tóc, móng tay thật kỹ với xà phòng và nước sạch.
Hít phải hơi thuốc:
+ Nếu nạn nhân còn trong vùng có hơi thuốc, khi vào phải mang khẩu trang, đưa nạn nhân đến vùng không khí sạch (không được để nạn nhân đi).
+ Nới lỏng quần áo, giữ nạn nhân càng yên tĩnh càng tốt.
+ Nếu nạn nhân bị co giật, bảo vệ nạn nhân không bị ngã và đập đầu.
+ Giữa cho cằm nạn nhân cao, tránh để nạn nhân bị nhiễm lạnh.
+ Không được cho nước uống có cồn dưới bất cứ dạng nào.
+ Khi bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến khó thở thì phải làm hô hấp hỗ trợ, đơn giản nhất là dùng phương pháp thổi ngạt: Nếu sau 20 phút không hết khó thở thì phải nhanh chóng chuyển đi bệnh viện và phải liên tục thổi ngạt trong lúc di chuyển.
Nuốt phải thuốc:
+ Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và trên nhãn thuốc khuyến cáo cần gây nôn thì điều quan trọng nhất là phải làm cho nạn nhân nôn.
+ Phải làm thật nhanh và chính xác, điều này quyết định mạng sống của nạn nhân.
Lưu ý
– Các trường hợp sau đây không được gây nôn:
+ Khi nạn nhân bất tỉnh hay trong tình trạng hôn mê vì nạn nhân có thể bị nghẹt thở và chết nếu gây nôn.
+ Nạn nhân nuốt phải hóa chất có tính ăn mòn.
+ Nạn nhân nuốt phải các sản phẩm có chứa dầu (tức là các loại thuốc ở dạng EC hay SC).
– Khi gặp bệnh nhân ngưng tim: phải giúp nạn nhân phục hồi hoạt động tim.
– Đặt nạn nhân nằm ở tư thế ổn định, nếu nạn nhân bị nóng, sốt thì dùng khăn thấm nước lạnh để lau cho nạn nhân. Nếu nạn nhân cảm thấy lạnh thì dùng chăn đắp cho nạn nhân.
– Không được cho nạn nhân uống sữa vì sữa làm thuốc thấm nhanh vào ruột.
– Chỉ cho uống nước đun sôi để nguội, hoặc nước trà đường loãng.
– Tuyệt đối không cho nạn nhân hút thuốc, uống rượu.
– Chuyển nạn nhân đến cơ quan y tế hoặc y, bác sĩ gần nhất.
Chăm sóc nạn nhân ngộ độc thuốc trừ sâu
Để nạn nhân nằm nghỉ ngơi với tư thế đầu dốc. Nếu nạn nhân hôn mê thì đẩy mặt ngửa ra, tạo sự thông thoáng cho đường thở.
Để ý khi nạn nhân nôn mửa kẻo họ hít chất nôn mửa vào đường hô hấp.
Khi nạn nhân có hiện tượng co giật nên dùng vật cản đệm vào răng để phòng chấn thương miệng, lưỡi.
Không cho nạn nhân hút thuốc và uống rượu trong thời gian điều trị.
Không cho nạn nhân uống sữa, chỉ cho uống nước sạch, nước đun sôi để nguội.
Kết luận
Để phòng ngừa nhiễm độc thuốc trừ sâu trong quá trình lao động, người đi phun hoặc tẩm hóa chất phải đội mũ, mang khẩu trang, đi ủng, mang găng tay và đeo mặt nạ phòng độc. Thời gian lao động được rút ngắn từ 1 – 2 giờ để tắm, giặt quần áo và rửa, bảo quản dụng cụ. Không ăn uống, hút thuốc lá khi đang làm việc có tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Khi phun hay tẩm hóa chất, gia đình phải dọn dẹp, che chắn các dụng cụ nấu nướng, đựng thức ăn. Khi phun hóa chất ở trong nhà, tất cả mọi người phải ra ngoài 10 – 15 phút. Lỡ bị hóa chất bám vào da, mắt,.. cần rửa ngay bằng xà phòng và nước sạch.