Hướng dẫn cấp cứu ngộ độc thủy ngân

Thủy ngân là gì?

Thủy ngân (Hg) là một kim loại nặng có ánh bạc, có dạng lỏng ở nhiệt độ thường. Thủy ngân được sử dụng trong các nhiệt kế, áp kế và các thiết bị khoa học khác. Thủy ngân (Hg) nguyên chất (thể lỏng) ít độc, nhưng các hợp chất và muối của nó lại rất độc. Nhiễm độc thủy ngân gây ra các tổn thương não và gan khi  tiếp xúc, hít thở hay ăn phải.

Nhiễm độc thủy ngân nguy hiểm thế nào?

vỡ nhiệt kế nhiễm độc thủy ngân

Thủy ngân (Hg) là chất độc tích lũy sinh học rất dễ hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong.

Chứng bệnh Minamata là một dạng ngộ độc thủy ngân. Thủy ngân tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, đồng thời ảnh hưởng tới miệng, các cơ hàm mặt và răng. Sự phơi nhiễm kéo dài gây ra các tổn thương não và gây tử vong. Nó có thể gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Một khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân được hấp thụ gần như hoàn toàn vào máu, phân phối tới mọi mô, tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, các cơ hàm mặt và cả bộ não. Nó cũng truyền qua nhau thai đến thai nhi và não thai nhi.

Việc tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài (nồng độ thủy ngân trong không khí trên 50 microgram/m3) dẫn đến run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý và viêm lợi.

Triệu chứng ngộ độc thủy ngân

Tùy thuộc dạng thủy ngân (Hg), khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể mà có cách biểu hiện khác nhau

Hít phải thủy ngân gây bệnh phổi nặng cấp tính. Triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm: sốt, ớn lạnh, thở khó. Những triệu chứng khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.

Ngộ độc mạn do hít thủy ngân gây viêm lợi và chảy nước miếng, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh. Trẻ thường mất ngủ, hay quên, tâm lý không ổn định, kém ăn, vẻ buồn bã.

Nuốt phải thủy ngân vô cơ (ví dụ pin) gây phỏng niêm mạc miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu. Diễn tiến sau đó vài ngày hoại tử ống thận cấp, gây suy thận, rối loạn nước và điện giải có thể gây tử vong.

Ăn thức ăn chứa thủy ngân hữu cơ như cá biển gây ngộ độc mạn, xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần. Gây suy nhược thần kinh, giảm thính giác, loạn vận ngôn, rối loạn tâm thần, run cơ, rối loạn cử động và có thể tử vong. Đặc biệt, rất độc đối với thai nhi có mẹ thường xuyên ăn cá biển chứa nhiều thủy ngân gây sẩy thai, khuyết tật thần kinh, chậm phát triển tâm thần, bại não, biến dạng chi.

triệu chứng nhiễm độc thủy ngân

Xử lý thế nào khi bị nhiễm độc thủy ngân?

Điều trị ban đầu ngộ độc thủy ngân tương tự những ngộ độc khác. Nhanh chóng đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn. Loại thải chất độc ở da bằng cách cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn, rửa da, mắt nếu bị nhiễm và đưa ngay đến bệnh viện gần nhất

Nếu phát hiện trẻ nuốt Thủy ngân trong nhiệt kế, phụ huynh tuyệt đối không móc họng, gây ói vì sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Nếu không hít sặc, chỉ cần theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định và đánh giá lượng Hg đã nuốt được bài tiết ra ngoài. Lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ để tránh táo bón

Kết luận

Vì các ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe như vậy nên có những qui định giới hạn chất thải chứa thủy ngân (Hg) ra môi trường. Kiểm soát ngưỡng tiếp xúc với các dạng khác nhau của thủy ngân (Hg) để phòng chống nhiễm độc thủy ngân. Người lao động làm việc trong môi trường có thủy ngân phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động: quần áo, găng tay, mắt kính, mặt nạ chống độc để bảo vệ sức khỏe.

Tác giả: Lan Nguyen

Biên tập viên đẹp gái tại BHTD